Ngày 1/7/2020, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 chính thức trở thành Luật hiện hành với những thay đổi vượt bậc trong công tác quản lý thuế.
|
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính. |
Có nhiều cải tiến
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (Luật Quản lý thuế 2019) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2019 gồm 17 chương 152 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020, trừ quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực từ ngày 01/07/2022 (khoản 2 Điều 151). Theo đó, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Quản lý thuế số 2019 có hiệu lực thi hành.
Luật Quản lý thuế 2019 đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính., trong đó có cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế.
Điểm đáng chú ý nhất tại Luật Quản lý thuế năm 2019 là phạm vi điều chỉnh của Luật này đối với việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Về đối tượng áp dụng, Luật Quản lý thuế năm 2019 bãi bỏ quy định đối tượng người nộp thuế là tổ chức, cá nhân làm thủ tục về thuế thay người nộp thuế.
Về nội dung quản lý thuế, Luật Quản lý thuế 2019 bổ sung thêm 3 nội dung quản lý thuế: Quản lý hóa đơn, chứng từ; Hợp tác quốc tế về thuế và Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
Đáng chú ý, về nguyên tắc quản lý thuế, Luật Quản lý thuế năm 2019 nhấn mạnh: “Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế; áp dụng các nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế, trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế, nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam.” Nguyên tắc này nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong quản lý thuế.
Luật Quản lý thuế 2019 bổ sung một số nội dung về quyền của người nộp thuế như: Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn; được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và pháp luật về giao dịch điện tử…
Luật Quản lý thuế 2019 cũng làm rõ, quản lý chặt hơn đối với giao dịch liên kết và lần đầu tiên quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Chính thức thực hiện Nghị quyết xử lý nợ thuế
Cùng với Luật Quản lý thuế 2019, cũng trong hôm nay (1/7/2020), Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước chính thức có hiệu lực thi hành.
Nghị quyết này quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực thi hành.
Đối tượng áp dụng gồm: Người nộp thuế nợ tiền thuế thuộc đối tượng được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp; cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế, người có thẩm quyền xử lý nợ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về nguyên tắc xử lý nợ, nghị quyết quy định: Bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, giám sát của người dân; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ỳ, nợ thuế.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc khoanh nợ, xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế đã được xóa nợ mà quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, trừ đối tượng quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này thì phải hủy quyết định khoanh nợ, xóa nợ (nếu có) và phải thu vào ngân sách nhà nước khoản nợ đã được xóa.
Các nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuộc một số trường hợp phát sinh trước ngày 1/7/2020 sẽ được xử lý theo Nghị quyết 94.
Cổng thông tin Hải quan