Để đáp ứng sự hài lòng của doanh nghiệp, các bộ, ngành không chỉ chú trọng tới các thủ tục tham gia Cơ chế một cửa quốc gia mà phải đơn giản hóa những thủ tục đang triển khai trước khi thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.
|
Nhờ cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cơ quan Hải quan đã hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai - Cục Hải quan Quảng Ninh Ảnh: Quang Hùng |
Tiết kiệm thời gian và các chi phí tuân thủ
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhận xét: nhờ cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cơ quan Hải quan đã hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó có những hoạt động đem lại lợi ích thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính đang trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và các chi phí tuân thủ. Đặc biệt, việc xây dựng và vận hành chính thức Cơ chế một cửa quốc gia- NSW (tháng 11/2014) là nỗ lực quan trọng của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và nhiều bộ, ngành liên quan trong hỗ trợ, tạo thuận lợi giúp cho doanh nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện NSW, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), NSW và tạo thuận lợi thương mại, VCCI phối hợp Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan thực hiện báo cáo đánh giá mức độ hài lòng của các doanh nghiệp về thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua NSW. Báo cáo này có ý nghĩa to lớn trong góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, NSW nói riêng. Báo cáo được thực hiện thông qua kết quả khảo sát đối với 3.100 doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, phản ánh tiếng nói trung thực, khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về hiệu quả vận hành NSW, cũng như đo lường thời gian, chi phí khi giải quyết thủ tục hành chính.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, thông qua đợt khảo sát, cộng đồng doanh nghiệp có sự ghi nhận nỗ lực của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và các bộ, ngành có liên quan trong thực hiện. Đặc biệt, các doanh nghiệp đánh giá cao việc thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia giúp doanh nghiệp thuận lợi trong thực hiện thủ tục đối với các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, nhờ đó giúp cắt giảm thời gian, chi phí tuân thủ trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, kim ngạch XNK của ngành dệt may rất lớn, vì vậy, các doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào những đổi mới, cải cách mạnh mẽ thông qua NSW. "Đến nay, các doanh nghiệp dệt may đã tiếp cận, sử dụng NSW thành thục và đem lại những hiệu quả tích cực"- ông Trương Văn Cẩm nói.
Mở rộng khảo sát các thủ tục hành chính
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hoàng Quang Phòng cho hay, nhiều doanh nghiệp cũng chỉ ra những dư địa lớn để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện NSW. Cụ thể, Cổng thông tin một cửa quốc gia cần tích hợp Cổng thông tin thanh toán điện tử; gắn với cải thiện chức năng giải đáp vướng mắc, cũng như xử lý các vấn đề phát sinh mà doanh nghiệp quan tâm. Mặt khác, việc phát triển hệ thống Công nghệ thông tin của NSW cần dựa trên hệ thống tập trung thay vì hệ thống phân tán như hiện nay. Đối với các bộ, ngành, việc giải quyết các thủ tục hành chính trên NSW cần được ưu tiên, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua rà soát các quy trình thủ tục, tăng cường tính minh bạch trong giải quyết thủ tục, đẩy nhanh quá trình chuyển giao triển khai dịch vụ đánh giá sự phù hợp cho khu vực tư nhân.
Tại buổi công bố Báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của DN và thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua NSW” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức đầu tuần này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, sau khi có kết quả khảo sát, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI nghiên cứu những vấn đề vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp để tham mưu cho Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ cụ thể.
Đặc biệt, với vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để đưa ra giải pháp triển khai cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện NSW.
"Tới đây, các cơ quan liên quan sẽ mở rộng việc khảo sát, đánh giá đối với nhiều thủ tục hơn nữa, không dừng lại ở những thủ tục có tần suất lớn, nhiều doanh nghiệp tham gia như vừa qua, để có đánh giá thực chất, khách quan hơn nữa về lợi ích, hiệu quả trong thực hiện thủ tục hành chính của các bộ, ngành thông quan NSW"- Phó Tổng cục trưởng cho biết.
Phó Tổng cục trưởng cũng chia sẻ ý tưởng xây dựng hệ thống đánh giá trực tuyến thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia thay vì khảo sát thủ công như hiện nay.
Liên quan đến việc kết nối thủ tục hành chính vào NSW, theo Quyết định 1254/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành cần kết nối 263 thủ tục vào NSW, nhưng hiện nay mới triển khai được 198 thủ tục, vì vậy, nhiệm vụ còn hết sức nặng nề. Để hoàn thành mục tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường đề nghị các bộ, ngành có kế hoạch triển khai cụ thể.
“Để đáp ứng sự hài lòng của doanh nghiệp, các bộ, ngành không chỉ chú trọng việc đưa thủ tục kết nối lên NSW mà phải đơn giản hóa những thủ tục đang triển khai trước khi thực hiện NSW. Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục làm tốt vai trò là Cơ quan Thường trực để phối hợp, đồng hành với các bộ, ngành nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện NSW”- Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường lưu ý thêm.
Theo Hải quan Việt Nam